Dưỡng mẫu Dự phi Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa

Có một lệ khá phổ biến trong cung đình nhà Thanh, các Hoàng tử và Hoàng nữ thường được nuôi ở một biệt sở hoặc các tần phi có địa vị nuôi nấng, cốt là để cho con cái hoàng thất không quá thân cận với mẹ ruột, cũng như để các tần phi để tâm hầu hạ Hoàng đế hơn. Điều này từng xảy ra đối với Ung Chính Đế, khi từ nhỏ ông được Hiếu Ý Nhân hoàng hậu Đông Giai thị nuôi nấng. Cứ theo thực tế ghi nhận, các con của Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu đều do người khác nhận nuôi, trong đó cụ thể có Gia Khánh Đế Vĩnh Diễm do Khánh Cung Hoàng quý phi Lục thị nhận nuôi, còn Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân do Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị nhận nuôi. Các Hoàng nữ thường ít được ghi nhận cụ thể, song dựa theo một vài cứ liệu, có thể đoán chắc Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa do Dự phi Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị nhận nuôi.

Sách Thanh Cao Tông thực lục ghi nhận: "Tháng 12 năm Càn Long thứ 38. Dụ, ngày 20 tháng này. Dự phi hoăng thệ. Nghỉ triều 3 ngày. Phái Hoàng bát tử (Vĩnh Tuyền), Hoàng thập nhị tử (Vĩnh Cơ), Thất Công chúa (Hòa Tĩnh) và Thất Ngạch phò Lạp Vượng Đa Nhĩ Tế mặc tang phục."[13]. Tuy rằng không có quy định cụ thể về việc cấp Hoàng tử và Công chúa mặc tang phục cho phi tần, nhưng việc 2 vợ chồng Thất công chúa cùng mặc tang phục cho Dự phi cũng có thể là cơ sở suy đoán về mối quan hệ giữa họ. Đối chiếu với Khánh Cung Hoàng quý phi là mẹ nuôi của Gia Khánh Đế, Cửu công chúa Hòa Thạc Hòa Khác công chúa mặc tang phục, nhưng Cửu Ngạch phò Trát Lan Thái thì không, trong khi đó thì cả Gia Khánh Đế và Hoàng hậu đều chịu tang. Đối với mẹ ruột là Lệnh Ý Hoàng Quý phi, Cửu Ngạch phò Trát Lan Thái mới cùng Cửu công chúa mặc tang phục.

Bên cạnh đó, ký dụ của Càn Long gửi Nội vụ Phủ Tổng quản Mại Lạp Tốn cũng góp phần khẳng định mối quan hệ không bình thường giữa Dự phi và Thất Công chúa: "Ngày 15 tháng 9 năm Càn Long thứ 38. Phụng thượng dụ: Nay Dự phi bệnh, trước tiên hộ tống hồi kinh. Ngoàn ra lưu ý với Mại Lạp Tốn, mau báo cho Thất Công chúa biết."[14]. Sau đó khi Dự phi về kinh có ở trong phủ đệ của Thất Công chúa một thời gian. Điều này cho thấy giữa Thất Công chúa và Dự phi không thể chỉ là hảo cảm, mà khả năng rất cao rằng Dự phi đã từng nuôi lớn Thất Công chúa, và cũng vì thế mà cả hai vợ chồng công chúa đến chịu tang Dự phi.

Xét cá nhân Dự phi, vào khoảng thời gian Hòa Tĩnh Công chúa ra đời, cũng là lúc Dự phi sẩy thai không lâu trước đó, trong thư tịch cũng chứng minh sự thiện đãi khá đặc biệt của Càn Long đối với Dự phi. Có một điểm nữa là Dự phi xuất thân Mông Cổ, và Ngạch phò Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể cũng là người Mông Cổ.